05/07/2016
“Giao thông tại các thành phố lớn của Việt Nam luôn xảy ra tình trạng tắc đường. Xe máy phải di chuyển chậm, thay đổi tốc độ và dừng liên tục; kết hợp với mặt đường không bằng phẳng, ngập nước… nên động cơ phải làm việc trong những điều kiện rất khắc nghiệt. Việc thay dầu nhớt phù hợp và đúng chất lượng là một trong những yêu cầu rất quan trọng trong việc bảo trì và bảo dưỡng xe, đảm bảo an toàn cho người sử dụng,”
Trên thị trường có nhiều loại dầu nhớt xe máy khác nhau với giá thành cũng rất khác biệt. Trong phạm vi bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu và phân cấu tạo và cách hoạt động của động cơ xe máy, qua đó kết hợp với kiến thức về dầu bôi trơn để lựa chọn loại nhớt thích hợp.
Động cơ xe máy – chế độ vận hành.
Một xy lanh động cơ xe máy dung tích 200cc có thể tạo ra công suất 20 mã lực và tốc độ vòng quay lên đến 9000 vòng/phút. Trong khi đó, động cơ ô tô 1,6 L (1600cc) có công suất khoảng 100 mã lực và đạt 6000 vòng/phút. Như vậy, động cơ xe máy tạo ra 1/5 công suất nhưng với dung tích chỉ bằng 1/8. Điều đó cho thấy rằng, động cơ xe máy làm việc khắc nghiệt hơn xe hơi. Do đó dầu nhớt xe máy cần có cấp chất lượng và độ bền trượt cao hơn để đảm bảo độ bền của lớp màng dầu bôi trơn.
Dầu nhớt cho động cơ xe máy – tính năng ba trong một
Đối với xe gắn máy bốn thì (xe số), hộp số và bộ ly hợp được gắn chung trong cùng hộp máy với động cơ. Vì vậy, dầu nhớt xe gắn máy được sử dụng để bảo vệ và bôi trơn chung cho cả động cơ, hộp số và bộ ly hợp. Đây là chức năng ba trong một của dầu nhớt xe gắn máy. Vì vậy, chúng phải đảm bảo các tính năng để bôi trơn tốt động cơ, bảo vệ hộp số chịu áp lực và mài mòn, đủ ma sát để tránh trượt ly hợp. Trong khi đó, dầu nhớt xe hơi chỉ cần bôi trơn và bảo vệ động cơ.
Dầu tổng hợp và Dầu khoáng
Khi lựa chọn dầu nhớt, trước hết chúng ta nhìn vào loại dầu: Dầu tổng hợp, dầu khoáng (trích xuất từ dầu mỏ) hay dầu bán tổng hợp (pha trộn giữa hai loại trên). Dầu tổng hợp có độ bền và bảo vệ máy rất tốt, chu kỳ thay dầu dài hơn và có giá thành cao. Đối với các loại động cơ xe máy thông dung trên thì trường thì dầu nhớt pha chế từ dầu khoáng là sự lựa chọn tối ưu nhất
1 lít hay 0.8 lít
Chọn dầu nhớt có bao bì ghi rõ là dầu nhớt xe gắn máy 4 thì. Thông thường, dầu nhớt xe máy có dung tích 1 lít hay 0.8 lít, tùy thuộc vào khuyến nghị trong sổ tay bảo hành của nhà sản xuất mà chọn dung tích bao bì phù hợp. Lưu ý, đôi khi dầu nhớt xe hơi cũng có loại bao bì 1 lít nên cần phân biệt rõ để tránh nhầm lẫn.
Độ nhớt SAE
Đây là thông số cơ bản của dầu nhớt, thể hiện độ đặc loãng của dầu nhớt, chỉ số càng lớn độ đặc của nhớt càng cao (Vd: nhớt 50 đặc hơn nhớt 40, nhớt 40 đặc hơn nhớt 30). Đối với xe máy cũ, nên sử dụng nhớt có độ nhớt cao (50) để đảm bảo khả năng làm kín các chi tiết máy. Xe máy mới nên sử dụng độ nhớt thấp hơn (40) để hạn chế ma sát và tiết kiệm nhiên liệu. Xe tay ga nên sử dụng độ nhớt 30 hoặc 40
Thị trường dầu nhớt xe máy phổ biến là dầu nhớt đa cấp với ký hiệu gồm có 2 chỉ số độ nhớt: SAE 10W40, 20W40, 15W40 hoặc 20W50. Trong đó, 2 chữ số cuối chính là độ nhớt của loại nhớt đó ở 100oC – nhiệt độ gần với nhiệt độ làm việc của động cơ. (Độ nhớt – đơn vị đo là Centistockes – cSt – có đặc tính thay đổi theo nhiệt độ, nhiệt độ càng cao độ nhớt càng giảm, hay nói cách khác khi bị đun nóng dầu sẽ loãng ra)
Phân cấp chất lượng API, JASO
Thông số thứ hai cần phải lưu ý là cấp chất lượng API, gồm có 2 ký tự, ví dụ SG hoặc SL. Trong đó S là ký hiệu chỉ dầu nhớt dành cho động cơ xăng (Động cơ Diesel được ký hiệu bằng chữ C). G hoặc L đánh dấu thứ tự ban hành của tiêu chuấn, ví dụ tiêu chuẩn SG ban hành năm 1993, SH năm 1996, SJ năm 1997,… càng về sau tiêu chuẩn chất lượng dầu nhớt càng cao, cấp chất lượng cao nhất hiện nay là SN, ban hành tháng 10 năm 2010.